Gia đình

Dạy vợ cũng phải biết cách

Nhiều đàn ông hiện nay lấy “danh nghĩa” dạy vợ mà thể hiện tính gia trưởng, độc đoán, làm tan vỡ hạnh phúc gia đình.

Chữ dạy vợ trong câu ca dao cổ “Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về…” ngay từ xa xưa mang ý nghĩa: Giúp vợ, hướng dẫn vợ cho vợ làm quen với cảnh sống mới ở nhà chồng nhằm thực hiện nghĩa vụ làm vợ, làm dâu chứ không phải như dạy bảo trẻ con, như thầy giáo dạy học trò, trọng nam khinh nữ, vừa gia trưởng vừa bất bình đẳng, ấy là cái gốc sinh ra nạn bạo hành trong gia đình giữa chồng và vợ, giữa nhà chồng với nàng dâu. Là hung thần đối với hạnh phúc gia đình

Một chữ có thể hiểu thành nhiều nghĩa và cho kết quả khác nhau.

Nếu do tình yêu và yêu thương, chữ DẠY sẽ “mềm”, là sự chỉ dẫn, là chung tay san sẻ. Vợ mà dại, thì chồng khôn với ai? Giá như đấy là ai kia, nhưng đây là vợ mình.

Nữ giới, những người có chồng, cũng có câu : “Xấu chàng hổ ai?”. Nên từ xưa ấy, chị phụ nữ kia lấy chồng rồi, mới biết chồng mình mù chữ (do bị lỡm mà ngỡ chàng văn hay chữ tốt) nên đành “đóng cửa dạy chồng”. Người chồng ấy sau đấy đã giỏi giang hơn và vẫn giữ được hạnh phúc gia đình. Dạy chồng như thế mới đúng là dạy chồng chứ.

Những đôi vợ chồng tình yêu đằm thắm, tình thương đầy đặn có phải dạy nhau, thì mang cái nghĩa là giúp nhau, chỉ bảo, bày cách cho nhau, vượt qua bỡ ngỡ từ “thuở bơ vơ mới về” làm dâu (và cả làm rể cùng ở rể nữa chứ!) mà không cần phải “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay!”. Chữ DẠY biến hóa thật tài tình khi con người ta có con tim yêu đầy lòng nhân ái và thiện chí vì yêu.

Cái quan niệm thực ra đó là tư tưởng phong kiến, lạc hậu cho rằng: Ta là chủ gia đình, “vợ tôi tôi dạy!” bằng lối đàn áp, vũ phu ấy là “quyền của tôi” lâu nay vẫn còn lộ ra ở một số không ít nơi, không ít người ở nước ta đã và đang gây ra thói xấu trong nếp sống văn hóa gia đình và có lúc, có trường hợp gây thảm họa cho hạnh phúc, cuộc sống gia đình không phải chỉ cho riêng hai vợ chồng mà còn liên quan tới nhiều người khác (cha mẹ, anh chị em, con cái và người thân).

Nếp nghĩ ấy (dạy vợ  thói quen gia trưởng, vũ phu) một khi được gia đình vào hùa, ủng hộ người chồng, nhiều khi trở thành áp lực, dung túng cho hành vi bạo hành của người chồng đã hóa nên sự chà đạp lên quyền sống và nhân cách, quyền tự do thân thể, thân phận của người phụ nữ (dù là vợ) trái với Luật hôn nhân và gia đình, là phạm pháp.

Con người ta không ai không có lúc mắc sai lầm, khuyết điểm với người khác và ngay với chính mình một cách vô ý thức hoặc cố ý trong một, vài tình huống nào đấy. Mà trong mối quan hệ, cuộc sống vợ chồng lại hay và dễ có va chạm, lời qua tiếng lại, nhất là trong ứng xử thường khi, thường ngày. Tất cả những mắc mớ ấy đều có thể hóa giải bằng tình yêu và lòng nhân ái. Thiếu vắng tình yêu và lòng nhân ái thì chuyện gì không êm ấm cũng có thể xảy ra trong mối quan hệ vợ chồng. tình cảm ấy cần có ở cả hai người. Bi kịch dẫn đến bạo hành gia đình có nhiều nguyên nhân. Do một bên hoặc cả hai bên. Song, dùng tới bạo lực dù là do một bên hay cả hai bên, đều alf cách xử sự sai và hỏng việc.

Từng có người vợ hiền lành vì còn yêu chồng và thương con mà cam chịu trước hành vi thô bạo và sự ghẻ lạnh (cũng là một thứ, một dạng bạo lực) của nhà chồng, cắn răng mà chịu. Chịu cho đến lúc không thể nào chịu tiếp, chịu nổi nữa, tất xẻ đàn tan nghé hoặc chống lại.

Cũng có chị em đáo để, khi nào cũng “miếng một, miếng hai” với chồng hoặc ghen tuông vô lối, vô lý, không tôn trọng chồng, thì cũng là cái cớ dẫn tới xung đột, gây căng thẳng, nhạt nhẽo cho cuộc sống gia đình, hóa thành một dạng bạo lực như sóng ngầm dưới đáy biển, đáy sông. Hôm nay còn có thể sum họp đấy, mà tả tơi thì chưa biết lúc nào đây

Có chị em thật sự lăng loàn đối với chồng. Có chị còn “đóng cửa” không cho chồng đụng tới mình, nhưng lại ghen lồng lên…

Các tình huống, nguyên nhân ấy đã và lại càng là cái cớ cho các ông chồng nóng tính hoặc thô bạo xắn tay áo… dạy vợ.

Dạy vợ (và cả dạy chồng nữa) bằng bạo lực (kể cả thái độ căng thẳng, lạnh nhạt, ăn miếng trả miếng… cũng là một dạng bạo lực) thực chất không phải có thế mạnh, có lẽ phải, mà là ở thế bất lực, đôi khi liều lĩnh không còn minh mẫn. Là  sự đầu hàng…quẫn trí của bất cứ người chồng nào (cả người vợ nữa) dùng bạo lực, bạo hành để giải quyết mâu thuẫn gia đình và giữa hai người với nhau.

Tỉnh táo và công bằng nhìn nhận các  trường hợp giải quyết mâu thuẫn gia đình giữa hai người, ta có thể thấy TÌNH NGƯỜI khi ấy đã đứng ra ngoài hoặc không còn nữa. Giữa hai người, dạy nhau, dạy vợ bằng bạo lực thì không chỉ tình người mà cả tình yêu dường như cũng không còn mấy nữa. Như thế, cả hai bên đều đã nợ tình yêu bởi đã… quên mất tình yêu đối với nhau rồi.

Riêng với đàn ông, dạy vợ bằng cách đánh đập, lại càng nợ tình yêu nhiều hơn và thêm: Phạm pháp

Theo Hạnh phúc gia đình

(Visited 570 times, 9 visits today)