Công việc,  Tinh thần

Kẻ THÔNG MINH phải gạt đi sĩ diện mà lập mối quan hệ đặc biệt này, khéo léo là có cả thiên hạ!

Lời dặn con của vị tỷ phú nổi tiếng khiến ai cũng phải gật gù bái phục.

Nhắc đến sự giàu có, cái tên John Davison Rockefeller Sr. (8/7/1839 – 23/5/1937) được nhắc đến đầu tiên. Nói về sự giáo dục gia đình tuyệt vời, tên tuổi ông cũng xếp vào tốp đầu. Ông “Vua dầu mỏ”, người Mỹ giàu có nhất mọi thời đại và người giàu nhất trong lịch sử hiện đại từng nắm giữ khối tài sản chiếm gần 2% giá trị nền kinh tế quốc gia. Nếu được điều chỉnh theo lạm phát thì ngày nay tài sản của ông sẽ có giá trị khoảng 418 tỷ USD.

Trong suốt cuộc đời mình, tỷ phú Rockefeller đã viết 38 lá thư gửi con trai, truyền dạy những bài học đời sống, kinh doanh đắt giá. Đây đều là những kinh nghiệm để đời mà ông đúc kết được. Trong bức thư số 23, ông dặn con về một điều quan trọng mà người thông minh cần phải làm:

“John thân mến,

Cuối cùng thì bố và ông Morgan (John Pierpont Morgan – người khuynh đảo ngành công nghiệp sắt thép và tài chính) đã hợp tác với nhau. Đây là cú bắt tay vĩ đại nhất trong lịch sử kinh tế Hoa Kỳ. Bố tin rằng, các thế hệ sau sẽ luôn ghi nhớ khoảnh khắc trọng đại này. Giống như tờ Wall Street Journal đã ví von: “Siêu chiến hạm” được chế tạo bởi ông trùm dầu mỏ và nhà tài phiệt phố Wall đã ra khơi. Nó sẽ không thể chìm và cũng không thể bị ngăn cản”.

John, con có biết cái này được gọi là gì không? Đó là sức mạnh của sự hợp tác!

Trong mắt những kẻ kiêu ngạo, “hợp tác” có thể là biểu hiện của sự yếu kém, cần trợ giúp. Nhưng với bố, hợp tác luôn là một lựa chọn thông minh, miễn là tốt cho mình. Và giờ, bố muốn cho con biết một sự thật:

Nếu không phải Chúa đã tạo nên sự nghiệp vĩ đại của bố ngày hôm nay, thì chắc chắn nó đến từ 3 yếu tố quyền lực: Thứ nhất là việc tuân thủ các quy tắc có thể giúp doanh nghiệp kinh doanh bền vững. Thứ hai, đến từ sự cạnh tranh khắc nghiệt. Và thứ ba, đến từ sự hợp tác, giúp bố thu được lợi nhuận, lợi ích.

Lý do bố có thể vượt các đối thủ cạnh tranh là bởi: Bố rất giỏi đi tắt đón đầu, bằng việc hợp tác với người khác. Tại mỗi điểm dừng trong hành trình tạo ra sự giàu có của bố, con có thể thấy những dấu hiệu hợp tác.

Từ ngày đầu đặt chân vào xã hội, bố đã biết rằng bất cứ lúc nào, ở đâu, miễn là có cạnh tranh thì không ai có thể chiến đấu một mình. Trừ khi muốn tự sát, còn không thì người thông minh sẽ thiết lập mối quan hệ hợp tác với người khác, kể cả đối thủ cạnh tranh. Dùng chiêu bài của người khác để khiến bản thân tồn tại hoặc trở nên mạnh mẽ hơn.

HỢP TÁC ĐỂ CÓ ĐƯỢC LỢI ÍCH VÀ QUYỀN LỢI

Như với trường hợp ông Morgan đó con. Nếu không hợp tác, rất có thể bố và ông ấy sẽ “đánh nhau” sứt đầu mẻ trán. Trong khi đó, đối thủ của bọn bố, ông Carnegie sẽ ung dung hưởng lợi (Andrew Carnegie là một doanh nhân người Mỹ gốc Scotland và được mệnh danh là Vua Thép). Nhưng giờ đây, ông Carnegie đang “tim đập, chân run”. Thử nghĩ xem, ai có thể bình tĩnh khi đối thủ “săn mồi” trên chính lãnh thổ của mình?

Hợp tác có thể giúp trấn áp đối phương, hoặc để đối phương ra tay hộ, đồng thời đạt được mục tiêu của bản thân. Nói cách khác, hợp tác không nhất thiết phải theo đuổi chiến thắng.

Tuy nhiên, hợp tác không giống như tình bạn, tình yêu và hôn nhân. Mục đích của sự hợp tác không phải để có được tình cảm mà để có được lợi ích và quyền lợi. Con nên biết rằng thành công phụ thuộc vào sự hỗ trợ và hợp tác của những người khác.

Tất nhiên, bố sẽ không bao giờ từ chối kết bạn với các đối tác kinh doanh. Bố tin rằng tình bạn dựa trên kinh doanh tốt hơn nhiều so với kinh doanh dựa trên tình bạn. Chẳng hạn như sự hợp tác của bố với ông Henry Flagler (nhà công nghiệp người Mỹ và là đồng sáng lập ra công ty Standard Oil).

Henry là bạn tâm giao và trợ lý tốt nhất của bố. Bố “liên minh” với Henry và những gì bố nhận được không chỉ là sự đầu tư mà còn cả trí tuệ, sự hỗ trợ tinh thần. Henry cũng như bố, không bao giờ tự mãn và luôn ước mơ trở thành bậc thầy của ngành dầu mỏ.

Cho đến bây giờ, bố vẫn nhớ những ngày cả hai làm việc cùng nhau. Ngoại trừ ăn, ngủ, bọn bố gần như không thể tách rời. Cả hai cùng làm việc, cùng nghỉ ngơi, suy nghĩ, lập kế hoạch, tạo động lực cho mọi người, cùng nhau quyết tâm. Nói vui thì giống như cùng trải qua “tuần trăng mật” vậy. Đó sẽ luôn là kỷ niệm hạnh phúc đối với bố.

Sau hàng chục năm, bố và Henry vẫn thân thiết như anh em và sẽ không bao giờ bán tình cảm này vì tiền. Đó là lý do bố bảo con gọi Henry là “Chú Henry” (Uncle Henry) thay vì “Ông Henry” (Mr Henry).

Bố không bao giờ cố “mua bán” tình bạn. Vì tình bạn không thể mua được bằng tiền. Đằng sau tình bạn cần sự ủng hộ chân thành. Lý do khiến bố và Henry hợp tác ăn ý và có tình bạn vĩnh cửu, không chỉ bởi cả hai cũng theo đuổi một lợi ích mà quan trọng hơn: Cả hai đều là những người có kỷ luật tự giác. Bọn bố biết mình muốn được người khác cư xử như thế nào.

“Không làm điều mình không muốn với người khác” – đó không chỉ là quy tắc ứng xử mà còn là thái độ hợp tác khôn ngoan của bố. Bố không bao giờ bắt nạt những đối thủ yếu hơn bằng lợi thế tiền bạc. Bố thích nói chuyện và không dùng sự độc đoán để trấn áp họ. Bởi nó có thể phá hỏng sự hợp tác, làm mục tiêu đứt gánh giữa đường. Tất nhiên, khi gặp một người kiêu ngạo và thô lỗ, bố sẽ khiến cho họ phải bẽ mặt.

Hãy nhớ lấy một chân lý: “Đối xử tốt với người khác khi bạn leo lên đỉnh, bởi bạn sẽ gặp họ khi xuống dốc”.

Bố ghét việc đối xử với mọi người bằng thái độ thô bạo. Bố biết kiên nhẫn, hòa nhã và hiểu được giá trị của cấp dưới, đồng nghiệp có lợi thế nào trong việc đạt được mục tiêu. Bạn có thể mua được nhiều thứ bằng tiền, nhưng sẽ không mua được lòng người. Khiến cấp dưới trung thành là cách bố xây dựng đội ngũ quản lý hiệu quả.

Và nhớ nhé John, hợp tác là câu hỏi về lợi ích và quyền lợi. Không một liên minh nào luôn trường tồn và hợp tác chỉ là chiến thuật có lợi. Khi môi trường thay đổi, chiến thuật sẽ thay đổi theo. Thực tế rất khắt khe, con phải nghiêm khắc hơn nhưng cũng phải trở thành một người tốt.

Bản chất của cuộc sống là đấu tranh và cạnh tranh. Chúng rất thú vị, nhưng khi phát triển thành xung đột, chúng thường phá hoại cuộc sống và sự hợp tác kịp thời sẽ là chìa khóa giải quyết.

(Visited 48 times, 1 visits today)