Gia đình,  Tinh thần

Người Việt dạy tôi lấy gia đình, bạn bè làm gốc

Chủ Nhật, 24/04/2011, 06:23 (GMT+7)

Người Việt dạy tôi lấy gia đình, bạn bè làm gốc

TT – Tôi đến TP.HCM sống và làm việc bằng nghề dạy tiếng Anh vào năm 2007 với hi vọng học được thêm về văn hóa, cách sống ở một nơi mới.

Khi gặp gỡ một số đồng nghiệp nữ người Việt, ban đầu tôi hơi ngại ngùng khi nhiều người chủ động kết bạn, dẫn đi ăn tối, trả tiền cà phê và thường đem đến cho tôi những món quà nho nhỏ. Điều đó làm tôi hoài nghi và không thoải mái. Tôi thường tự nhủ không biết họ muốn “mua chuộc” gì mình.

Ngược lại, các bạn người Việt cũng gợi ý tôi đem quà về sau những chuyến du lịch hay dắt họ đi ăn vào ngày sinh nhật tôi (thường thì ở Mỹ bạn không phải trả tiền vào ngày sinh nhật mình). Tôi muốn làm bạn với họ nhưng tôi nghĩ họ không nên trông chờ tôi đền đáp lại bằng bất cứ điều gì cả.

Theo thời gian, tôi dần nhận ra sức mạnh tập thể và sự nương tựa lẫn nhau trong tình bạn Việt. Ở VN, khi gặp khó khăn thì bạn luôn có ai đó để nhờ giúp đỡ, làm điểm tựa để bạn khỏi vấp ngã. Tôi cảm phục sức mạnh của tình bạn và tinh thần sẵn sàng hi sinh, luôn nghĩ đến người khác.

“Tôi tin rằng dù có cách biệt hàng ngàn cây số tôi vẫn giữ được tình bạn vun đắp ở VN: sâu sắc, cao thượng và bền vững”

Stephanie Albert

Nơi tôi sinh ra ở Mỹ, chúng tôi luôn trân trọng sự độc lập, tính cá nhân. Hình ảnh anh cao bồi Viễn Tây đơn thân trên sa mạc mà không cần bằng hữu hay những thứ xa hoa vẫn còn tồn tại trong trái tim nhiều người Mỹ. Trong quan hệ gia đình, bạn bè, không ai đòi hỏi ai phải đáp ứng cho mình điều gì, dù điều đó có nhỏ cách mấy và người đó có thân thiết đến đâu. Tôi chẳng bao giờ dám nhờ người bạn thân đến đón tôi ở sân bay, trả tiền cho bữa ăn hay cà phê, tặng quà không rõ lý do. Nếu làm như vậy có nghĩa là tôi đang có “âm mưu” gì đó.

Tôi dần yêu thích tình bạn mà tôi vun đắp ở VN. Nếu một ngày tôi thấy mệt mỏi và không thể đi làm, tôi biết sẽ tìm được người giúp đỡ. Khi tôi buồn và nhớ nhà, bạn bè sẽ dành thời gian giúp tôi cảm thấy được thương yêu và bớt cô đơn.

Tôi vẫn nhớ mãi anh bạn người Việt – một hướng dẫn viên – đã nhiệt tình giúp đỡ gia đình tôi trong chuyến du lịch dài hai tuần khi họ đến thăm VN. Anh ấy dành nhiều thời gian và công sức tổ chức chuyến đi và tôi biết anh ấy lấy ít tiền công hơn bình thường. Đổi lại, tôi rất vui khi mang giúp những món quà từ VN anh gửi cho gia đình anh đang sống tại Mỹ. Các bạn người Mỹ của tôi chẳng thể nào hiểu được tại sao tôi lại sẵn lòng xách thêm một vali nặng cho gia đình người khác như vậy. Đây là một ví dụ điển hình về cử chỉ thể hiện tình bạn, một nét rất độc đáo ở VN mà khó có thể thấy ở Mỹ.

Ngoài tình bạn, tình cảm gia đình người Việt cũng ảnh hưởng nhiều đến tôi. Bạn tôi sẵn lòng lo cho ông bà cao tuổi. Bố mẹ họ cùng nhau chăm lo cho con cái, kể cả khi con họ trưởng thành. Ở VN, sự căng thẳng về tài chính được xoa dịu bằng ý nghĩ bạn chẳng bao giờ phải sống ngoài đường nếu không tìm được việc làm.

Ở Mỹ, người trẻ khi trưởng thành phải đi làm, lo chắt chiu từng đồng tự trang trải cuộc sống riêng vì ngửa tay xin tiền bố mẹ là một điều hổ thẹn. Gọi điện thoại thường xuyên cho gia đình khi bạn ngoài 20 tuổi là dấu hiệu của sự thiếu trưởng thành. Và nếu bạn trên 30 tuổi thì không nên nghe lời khuyên của ông bà, bố mẹ nữa vì những tư tưởng đó đã quá “lỗi thời”. Còn những người sắp về hưu, mỗi tháng để ra một khoản tiền dành riêng để an hưởng tuổi già vì họ không muốn hỏi xin con cái đồng nào.

VN đã dạy cho tôi rằng cái cây có sức mạnh là từ gốc rễ ngoằn ngoèo, chôn sâu trong lòng đất. Tình cảm gia đình và tình bạn phải xuất phát từ một sự phức hợp bên trong để có sức mạnh lâu bền. Tôi thật sự thích thời gian ở VN và tôi trân trọng bài học quý giá tôi có được từ bè bạn xung quanh. Nhưng đó cũng là lý do tôi rời VN: về với người bà đã 94 tuổi hiện đang sống một mình, về để chăm sóc bố mẹ sắp đến tuổi về hưu.

STEPHANIE ALBERT (người Mỹ)

PHƯƠNG THÙY ghi

 

(Visited 24 times, 1 visits today)