Gia đình

Nguy hiểm dạy trẻ bằng… “bêu xấu”

Mắng trẻ trước đông người, xử phạt bằng những hình thức xúc phạm, bôi nhọ…, một số giáo viên và phụ huynh nghĩ rằng với cách này trẻ sẽ không lặp lại sai phạm. Nhưng thực tế, khi lòng tự trọng bị chà đạp, trẻ càng trở nên bất cần.

Chà đạp tự trọng của trẻ

Hiện nay, có một bộ phận giáo viên (GV) do thiếu kỹ năng ứng xử, khi học trò vi phạm vẫn áp dụng hình thức phê bình, mắng mỏ thậm chí chửi bới học trò ngay trước cả lớp. Ở bậc tiểu học còn có hình thức để cho các bạn trong lớp “lêu lêu” học sinh (HS) vi phạm. Khi áp dụng hình thức xử phạt này, GV đều biết HS sẽ xấu hổ và cho rằng như thế để “chừa”. Rất ít người lường được khi bị xúc phạm trước mặt đông người, trẻ cũng như bị đẩy đến đường cùng, rất dễ nghĩ đến hành động dại dột. Còn không, các em cũng dễ sinh tâm lý hằn học, chống đối, thậm chí là nuôi hận thù trong lòng.

 

Bị “bêu xấu” trước mặt người khác, trẻ càng chống đối và dễ trở nên bất cần.(Ảnh minh họa)

Ở trường đã vậy, khi ở nhà có không ít phụ huynh cũng áp dụng hình thức phạt trẻ công khai trước bàn dân thiên hạ biết với hy vọng sẽ “cải tạo” được con.

Cách đây không lâu, cậu bé 13 tuổi sống ở TPHCM do nghiện game online đã bị cậu ruột bắt đeo tấm bảng ghi dòng chữ “Tôi là thằng ăn cắp” rồi đứng trước nhà với mục đích để người đi đường “dòm ngó”. Theo lý giải của người cậu, đứa cháu suốt ngày rình rập ăn cắp đồ đạc để có tiền chơi game, gia đình đã giáo dục rất nhiều cách nhưng không có tác dụng nên ông cậu hy vọng: “Bắt làm như vậy để nó biết xấu hổ mà thay đổi”.

Cũng vì con nghiệm game, bỏ bê học hành, một ông bố khác ở Đăk Nông bắt hai đứa con phải bò giữa đường từ quán Internet về nhà. Trước đó, ông đã nhiều lần dạy dỗ bằng cách đánh đập, chửi bới con nhưng không hiệu quả.

Trẻ sợ nhưng không phục

Cô Thúy Trang, GV tại một trường tiểu học ở Gò Vấp, TPHCM chia sẻ rằng nhiều GV cũng như phụ huynh áp dụng hình phạt “bêu xấu” trẻ vì họ biết tâm lý con trẻ rất sợ bị phê bình, chửi mắng, xúc phạm trước mặt đông người. Trẻ sẽ tổn thương và mặc cảm vì điều này. Tuy nhiên, người lớn dường như quên mất rằng con trẻ cũng có sĩ diện của mình. Chúng có thể sợ nhưng một khi đã bị phạt thì sự xấu hổ đó rất dễ được thay thế bằng cách chống đối.

“Chúng tôi đã từng chứng kiến nhiều HS sau khi bị GV, phụ huynh phạt bằng cách “bêu xấu” thì càng trở nên lì lợm, chống đối hơn. Nếu trẻ đã “lì đòn” thì thật sự nguy hiểm vì rất khó để giáo dục, dạy bảo”, cô Trang bày tỏ.

GV này kể trường hợp, có bà mẹ mỗi lần con làm sai là lôi cháu ra trước ngõ đánh đòn để nhiều người nhìn thấy. Khi đã quen đòn, vừa thấy mẹ nổi giận, chẳng chờ bà phải lôi, phải kéo như mọi lần mà cháu đã chủ động đi ra nằm trước ngõ… sẵn sàng ăn đòn với vẻ đắc ý lẫn thách thức chứ không còn khóc lóc, sợ hãi như trước. Người mẹ cũng trở nên bất lực với con.

Theo các chuyên gia tâm lý, dạy con cũng như phương pháp quản lý đồng xu. Khi trẻ đạt được thành tích, làm việc tốt cha mẹ thường hay thưởng tiền để con bỏ tiết kiệm. Khi con làm sai, không nghe lời, nhiều ông bố bà mẹ rút lại tiền thưởng này. Đây cũng là một cách để con cố gắng nhưng phụ huynh nên nhớ, dù thế nào cũng không nên lấy sạch đồng xu của con mà phải để lại một khoản nhất định. Bởi khi thấy mình chẳng còn giá trị gì, trẻ sẽ buông xuôi vì chẳng cón động lực để cố gắng.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu – Ứng dụng Tâm lý và Truyền thông cộng đồng TPHCM cho rằng hình thức “bêu xấu” là điều hết sức tối kỵ trong mối quan hệ giữa người và người cũng như trong cách giáo dục trẻ. Trẻ cũng có cái tôi, có lòng tự trọng như người lớn và khi trẻ bị chính những người thân thiết xúc phạm trước mặt mọi người đồng nghĩa với việc cái tôi và lòng tự trọng đó bị tổn thương. Có thể lúc bị phạt trẻ sợ nhưng trong tâm lý vẫn ngấm ngầm chống đối.

Đặc biệt, nếu người lớn làm cho trẻ đánh mất lòng tự trọng của mình thì trẻ sẽ trở nên bất cần không còn muốn cố gắng, vươn lên trong học hành, cuộc sống. Vì thế, dù phạt hay mắng mỏ trẻ, người lớn cũng phải lưu ý giữ thể diện cũng như giá trị cho trẻ.

Hoài Nam

(Visited 48 times, 1 visits today)