Gia đình

Xu hướng mới trong văn hóa gia đình châu Á

Có một vấn đề được nhiều người quan tâm, đó là xu hướng hình thành gia đình đơn (hay còn gọi là gia đình hạt nhân) chỉ gồm hai thế hệ cha mẹ và con cái, đang ngày càng chiếm đa số trong xã hội.

  • Độc lập về mọi mặt:

Nếu trước đây, gia đình kép (tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường) được duy trì, phát triển và phù hợp với nếp sống gia đình người Việt, thì trong cuộc sống hiện nay, nhiều bạn trẻ khi tiến tới hôn nhân đều có xu hướng tách riêng, sống độc lập. Điều này phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của nền kinh tế thị trường, với tâm sinh lý của lớp trẻ ngày nay.

Anh Trần Quốc Nghiên, cán bộ thuế quận 6, cho biết vừa mua một căn nhà nhỏ để chuẩn bị cưới vợ, anh bảo: “Dù phải vay mượn khắp nơi mới đủ tiền mua nhà, nhưng tôi rất hài lòng. Vợ chồng trẻ lấy nhau xong thì chỉ mong tối ngày được bên nhau, quấn quít lấy nhau, sống chung với cha mẹ đôi khi không tiện. Vả chăng tụi tôi cũng đặt kế hoạch về thăm nom, chăm sóc các cụ hàng tuần mà”. Cô Lâm Bích Hạnh, sinh viên trường Đại học Bách khoa lại có một suy nghĩ khác, theo cô: “Dù nhà người yêu tôi rất khá giả, nếu không muốn nói là giàu. Về làm dâu chắc chắn tôi sẽ được sung sướng, ít nhất thì không phải lo đi chợ, nấu cơm hàng ngày vì đã có người làm lo, nhưng chúng tôi không thích ở chung, độc lập về mọi mặt là điều tốt nhất. Tôi không muốn mang tiếng là nhờ vả nhà chồng, tôi đủ sức để kiếm tiền đảm bảo cho cuộc sống của mình. Tôi nghĩ, nhiều thế hệ ở chung dưới một mái nhà chưa hẳn đã tốt, vì chênh lệch thế hệ sẽ khó hiểu nhau, không phù hợp, như thế dễ dẫn đến mâu thuẫn, chẳng thà ở riêng mà vẫn giữ được tình cảm quý mến nhau thì hay hơn”.

Trong buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Người cao tuổi ở phường 9, quận 3, TP.HCM, thật thú vị khi chính bà Giang Đông Nhã, 62 tuổi, lại cho rằng bà không muốn gò bó con trẻ: “Tuổi trẻ bây giờ tự tin và năng động hơn ngoài xã hội. Về nhà chúng sống cũng tự nhiên hơn, có mặt mình, vợ chồng chúng có muốn âu yếm nhau cũng ngại, nhiều khi chúng muốn đi chơi riêng với nhau lại sợ mình buồn, đâm ra cứ gượng gạo, không thoải mái. Trước khi lấy vợ cho con trai, tôi tìm mua một căn nhà trả góp để chúng ở riêng, điều quan trọng là tôi dạy con: dù ở đâu thì vẫn phải nhớ mình có một gia đình lớn luôn quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ mình những lúc khó khăn. Nhờ thế mà cả con dâu tôi cũng rất cám ơn mẹ chồng về điều này. Lúc con chúng còn nhỏ, hai vợ chồng đi làm cả thì gửi về bên tôi, chủ nhật nào chúng cũng về thăm, nấu nướng, ăn uống rất vui vẻ, đầm ấm. Tôi bắc cái điện thoại, có ốm đau gì thì ới một tiếng là vợ chồng con trai, con gái về ngay. Bình thường tôi cũng có thời gian hơn để tham gia các công tác xã hội, đi thăm bạn bè. Cuộc sống nếu khéo sắp xếp thì không có gì phải lo cả. Chứ ở chung mà gấu ó nhau, mặt nặng mày nhẹ thì càng chán hơn”.

  • Ăn chung, ở riêng

Có thể nói, hiện nay ở Việt Nam giới trẻ tuy có nhu cầu tách riêng, sống độc lập, nhưng họ vẫn không bị lôi cuốn theo nếp sống phương Tây: bỏ mặc người già trong các nhà dưỡng lão, họ biết kết hợp hài hòa giữa truyền thống kính trọng bậc cao niên, tôn trọng tôn ti trật tự của dòng tộc với nhu cầu tự do cá nhân. Nhiều cặp vợ chồng trẻ chọn giải pháp ở riêng nhưng lại ăn chung để có thể chăm sóc cha mẹ già. Anh Nguyễn Bá Hưng, làm ở một công ty máy tính, có cha mẹ trên 60 tuổi, vợ anh muốn được ở riêng vì nhà anh chật chội quá, chỉ có một phòng khách, một phòng ngủ. Nhưng làm con trai một, lấy ai phụng dưỡng cha mẹ già, suy đi tính lại, anh chọn cách thuê nhà ở gần nhà cha mẹ mình, dĩ nhiên cũng phải làm công tác tư tưởng dữ lắm, ba mẹ anh mới chấp nhận. Hàng ngày vợ chồng anh về nhà cha mẹ ăn cơm, giúp ông bà những việc đòi hỏi sức khỏe và sự khéo léo. Được cái vợ anh cũng là người biết điều, quý trọng cha mẹ chồng nên chị lo chu toàn mọi chuyện trong ngoài, không để ba mẹ chồng bận tâm điều gì, có miếng ngon bao giờ chị cũng mang về biếu ba mẹ chồng. Hôm mẹ anh bị mổ ruột thừa, cũng một tay chị chăm sóc. Bây giờ đi đâu ba mẹ chồng cũng đem chị ra khoe như một của quý.

Nên hay không nên duy trì một gia đình theo kiểu truyền thống, gồm nhiều thế hệ chung sống dưới một mái nhà? Câu hỏi này xem ra khó lòng thỏa mãn được nhiều người với nhiều quan điểm khác nhau. Không ai phủ nhận, gia đình truyền thống có nhiều mặt tích cực của nó, góp phần đáng kể vào việc bảo tồn và phát triển nền văn hóa dân tộc, là nơi giúp con trẻ định hình nhân cách sớm nhất, là nơi quy tụ mọi mối quan hệ dòng tộc gắn bó mọi thành viên trong gia đình. Nhưng rõ ràng, gia đình truyền thống châu Á đang chịu sự tác động đáng kể của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, sự vận động của nền kinh tế thị trường, do vậy nó có những biến đổi nhất định. Và như vậy, gia đình châu Á, trong quá trình phát triển sẽ tiến dần đến quỹ đạo của gia đình phương Tây. Điều cần bàn là làm thế nào để giữ lại và phát huy những giá trị quý báu vốn là thế mạnh của gia đình truyền thống Việt Nam.

Bài: QUỐC HUY Ảnh: THANH HẢI

(Visited 209 times, 1 visits today)